Nhiều công việc phù hợp dành cho sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý

01/06/2016
Kinhtedothi - Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên (SV) Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, Viện trưởng Lê Quang Thủy khẳng định, SV luôn có tỷ lệ công việc phù hợp chuyên môn tới 95%.

Đa phần các cựu SV hiện đang làm việc tại các cơ quan, DN trong các lĩnh vực chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ phần mềm, giải pháp; tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nghiên cứu, giảng dạy. Từ vị trí chuyên viên, người học ngành Hệ thống thông tin quản lý (HTTTQL) có cơ hội phát triển sự nghiệp thành các chuyên gia. Điển hình là phát triển phần mềm, tư vấn CNTT; quản trị, vận hành hệ thống; phân tích nghiệp vụ; phân tích hệ thống; phân tích dữ liệu; giám đốc CNTT.

Để đảm nhiệm được những vị trí công việc trên, trong suốt khóa học, SV được trang bị đầy đủ kiến thức về toán ứng dụng, công nghệ, kỹ thuật cũng như các kiến thức quản trị kinh doanh, tài chính kế toán. Bên cạnh đó là các kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính kế toán, marketing làm cơ sở để ứng dụng CNTT vào thực tiễn quản trị DN. Ngoài ra là các nội dung chuyên sâu về mô hình toán, ứng dụng trong kinh tế và quản lý. Song hành là các kiến thức về công cụ tin học giúp người học có năng lực tổng hợp, phân tích và khai thác sử dụng dữ liệu, nâng cao tính bảo mật và an toàn thông tin.
Là ngành mới nhưng chương trình đào tạo của Viện Toán ứng dụng và Tin học tập trung sâu hơn về một số lĩnh vực. TS Thủy cho biết: Mục tiêu của ngành HTTTQL là đi sâu trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên về các mô hình toán học, CNTT, cũng như kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, quản trị kinh doanh. Chương trình đào tạo được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện Toán ứng dụng và Tin học với Viện Kinh tế và Quản lý của ĐH Bách khoa Hà Nội. Hơn thế, HTTTQL có những điểm nổi bật: Giảng viên có trình độ cao, chuyên sâu về Toán ứng dụng và tin học, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng (bảo mật và an ninh thông tin, phân tích dữ liệu, di động, quản trị rủi ro…); nhiều giảng viên có kinh nghiệm thực tế tại các DN, cơ sở đào tạo; chương trình đào tạo hiện đại, cập nhật; SV có nhiều cơ hội được trao đổi, thực tập tại DN.
TS Thủy cho biết, để học tốt ngành HTTTQL, người học cần có sự năng động, sáng tạo, đam mê công nghệ. Và phải có tư duy đổi mới, khả năng tổ chức, năng lực phân tích và tổng hợp thông tin.

Hồng Thủy

Đánh giá bài viết


Xem thêm