Nguyễn Thị Thu Hoài - Toán Tin K63
Hội thảo Tối ưu và Tính toán khoa học lần thứ 18 được tổ chức tại Hòa Lạc, Hà Nội. Đây là một trong những hội nghị hằng năm của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Viện toán học phối hợp đồng tổ chức.
Hội nghị là nơi các nhà khoa học hàng đầu, các chuyên gia, và các bạn sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi những ý tưởng, cập nhật những hướng nghiên cứu mới đã và đang phát triển trong hệ thống nghiên cứu toán học ở Việt Nam và trên thế giới.
Ảnh: Đại biểu tham gia Hội thảo
Tại hội nghị, bạn Nguyễn Lâm Tùng - sinh viên của Viện Toán ứng dụng và Tin học dưới sự hướng dẫn của TS Tạ Thị Thanh Mai đã có đóng góp báo cáo mang tên: “Mô phỏng số của hệ phương trình Navier-Stokes không nén cho dòng chảy airfoil”
Ảnh: Sinh viên Nguyễn Lâm Tùng đang trình bày báo cáo.
Mở đầu bài báo cáo, sinh viên Nguyễn Lâm Tùng giới thiệu về hệ phương trình Navier-Stokes cho dòng chảy không nén và xây dựng lược đồ giải số cho hệ phương trình. Ý tưởng là dùng phương pháp Lagrange-Galerkin biến đổi thành phần đối lưu về dạng đạo hàm vật chất (material derivative) để rời rạc phương trình theo thời gian bằng lược đồ ẩn và phương pháp các đường đặc trưng. Sau đó phương trình Navier-Stokes được đưa về bài toán yếu và giải xấp xỉ bằng phương pháp Phần tử hữu hạn. Trong phần tiếp theo, báo cáo viên trình bày các ví dụ mô phỏng số, gồm ba hiện tượng, trong đó có hai hiện tượng là standard test cases và một hiện tượng ứng dụng là mô phỏng dòng chất lưu qua airfoil (tiết diện đặc trưng cho cánh máy bay)
Từ mô phỏng với airfoil đối xứng NACA 0012 cho số liệu gần sát với kết quả đo đạc mà các nhà khoa học thu được khi làm thí nghiệm trên mô hình có thật, anh đã chứng minh mô hình anh đưa ra là chính xác và đáng tin cậy. Ta có thể thấy rằng việc tính toán các hệ số bằng cách mô phỏng trên máy tính đem lại nhiều ưu điểm. Ví dụ như khi chế tạo cánh máy bay, chúng ta không cần xây dựng các mô hình có thật hay các hệ thống đo đạc phức tạp, mà chỉ cần mô phỏng trên máy tính, thay đổi các tham số và hệ số sao cho cánh máy bay phù hợp và các điều kiện bên ngoài. Nhờ đó giúp tiết kiệm thời gian, không gian, chi phí và công sức bỏ ra.
Đề tài đã thu hút các đại biểu tham dự đặt câu hỏi và cùng thảo luận với tác giả. Việc tham dự hội thảo và được trao đổi với những chuyên gia đầu ngành cộng thêm sự nhiệt tình cùng lắng nghe chính là việc giúp Lâm Tùng có thể cải thiện và phát triển đề tài của mình hơn. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công việc tối ưu và thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu theo những hướng mới nhất để cùng phát triển những đề tài nghiên cứu đó.
Đây chính là cơ hội quý báu cho các bạn sinh viên có thể học hỏi, giao lưu và được tiếp thu những kiến thức vàng mà trường lớp không thể nào truyền tải hết được.