Thanh Sơn
Ảnh: Thế Lâm
Chiều 30.12.2015, giáo sư Hrvoje Tkalčić, chuyên gia hàng đầu về địa chấn học quan sát (Global Seismology) tại Viện nghiên cứu về Khoa học Trái đất, Đại học quốc gia Úc (RSES, ANU) đã có chuyến thăm và giảng bài tại Viện Toán ứng dụng và Tin học. Buổi nói chuyện thu hút được sự quan tâm và hiện diện của TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó Viện Trưởng Viện Toán ứng dụng và Tin học, TS. Đỗ Vân Nam – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học Tính toán, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên của Viện Toán ứng dụng và Tin học.
Phòng hội thảo 202-C10 hôm diễn ra bài nói chuyện của GS. Tkalčić
Giáo sư Tkalčić (GS) giới thiệu về một lĩnh vực mới mẻ về khoa học địa chấn và toán học ứng dụng trong vật lý địa cầu nói chung. Phần đầu của bài nói chuyện được GS dành để giới thiệu những nguyên lý cơ bản của địa chấn học quan sát và các công cụ mà các nhà địa chấn học cổ điển đã dùng để nghiên cứu động đất và cấu trúc bên trong của trái đất.
GS khẳng định rằng suy diễn địa vật lý (geophysical inference) là quá trình căn bản để có được những hiểu biết về cấu trúc bên trong của trái đất. Ông cùng với các cộng sự tại nhóm nghiên cứu về Toán học Địa chấn và Địa vật lý (Seismological and Geophysical Mathematics) chủ yếu phát triển các phương pháp tiên tiến trong thu thập và xử lý dữ liệu địa vật lý. Trong đó, các bài toán ngược, nhằm giải mã ảnh hưởng của cấu trúc bên trong lên các dữ liệu quan sát được tại bề mặt trái đất, đóng một vai trò then chốt trong các nghiên cứu của nhóm. Bên cạnh các phương pháp dựa trên nền tảng tối ưu, nhóm nghiên cứu đang tiên phong trên thế giới với thuật toán giải bài toán ngược trên nền tảng suy diễn Bayes. Tại bài giảng này, ông đã giới thiệu một trong những đột phá của nhóm với phương pháp suy diễn phân lớp biến chiều dựa trên lý thuyết Bayes.
Phương pháp suy diễn phân lớp biến chiều dựa trên lý thuyết Bayes (trans-dimensional hierarchical Bayesian inference) dựa trên hai cơ sở quan trọng là Định lý hậu nghiệm Bayes, và phương pháp phân hoạch không gian nghiệm bằng các đa giác Voronoi. Với phương pháp này, các giả thuyết tiền định quan trọng trong quá trình mô hình hóa bài toán ngược như phân hoạch không gian (như số lượng, vị trí, hình dạng của các phân hoạch), các giả định về nhiễu của dữ liệu (độ lớn, và tương quan giữa nhiễu của các dữ liệu khác nhau) sẽ được quyết định bởi chính dữ liệu đầu vào thay vì được thiết lập một cách chủ quan. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm trong bài báo giới thiệu tổng quan sau: Sambridge et al. 2013, Transdimensional inference in the geosciences, Phil. Trans. R. Soc (bài báo mở tại http://goo.gl/CMQs0U).
Trong phần cuối bài giới thiệu của mình, GS đã trình bày những đột phá mới trong hiểu biết về cấu trúc của lõi trái đất (the Earth core), như tốc độ quay biến thiên theo thời gian, sự biến thiên của vận tốc sóng địa chấn tại lớp gần vỏ của tâm trái đất, v.v. Bài nói chuyện đã gợi mở cho các cán bộ trẻ các em sinh viên ngành Toán Tin một hướng đi hấp dẫn tiếp theo để nghiên cứu/học tập trong tương lai.
ThS. Phạm Thành Sơn trình bày về các học bổng tại ICTP
Tiếp nối phần trình bày của GS Tkalčić, cựu sinh viên Kỹ sư Tài năng Toán Tin K53 Phạm Thành Sơn đã giới thiệu tới các sinh viên tham dự một số học bổng toàn phần tại Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế (The Abdus Salam ICTP) bao gồm các chương trình dự bị tiến sỹ (Diploma programme) về Toán học, Khoa học Trái đất; Thạc sĩ về tính toán hiệu năng cao (High Performance Computing); và các chương trình Thạc sĩ Vật lý khác. ICTP là nơi mà Sơn đã theo học dự bị tiến sỹ về Khoa học Trái đất, và sắp tới, anh sẽ bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh của mình tại RSES, ANU cùng GS Tkalčić. Thông tin về các học bổng này có thể được tìm thấy trong file đính kèm: Học bổng ICTP
GS. Tkalčić chụp ảnh lưu niệm với ban tổ chức –Bộ môn Toán ứng dụng